Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

Giai Nobel van hoc 1980/ M.




Czeslaw Milosz

Giai Nobel van hoc 1980

Gioi thieu:

Toi tim duoc trang talawas

(http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3239&rb=0103)

cho thong tin ve nha van Hoa Ky goc Balan nay. Xin duoc dan o day, gioi thieu voi ban doc:



Czeslaw Milosz
Tiểu sử và tác phẩm
Nguyễn Phan Thịnh dịch


I. Tiểu sử

1911: Czeslaw Milosz sinh ngày 30/6 ở Szetejnie (hay Seteinial), Lithuania, con của Weronica, tên khai sinh là Kunat, và Aleksander Milosz, một kỹ sư công chánh.

1914-1918: Aleksander Milosz bị động viên vào quân đội Nga hoàng sau bùng nổ Thế chiến I. Là sĩ quan kỹ sư chiến đấu, ông dựng cầu và đồn trại ở các vùng hỏa tuyến. Vợ và con trai theo ông di chuyển liên tục khắp nước Nga. Gia đình Milosz trở về Lithuania năm 1918.

1921: Czeslaw Milosz theo học trung học ở Wilno.

1929: Milosz trúng tuyển vào khoa luật của Stefan Batory University ở Wilno, tham gia Câu Lạc Bộ Ba Lan Học.

1939: Milosz đăng những bài thơ đầu tiên trên Alma Mater Vilnensis, một tạp chí đại học.

1931: Milosz trở thành người đồng sáng lập và thành viên của bút nhóm Zagary. Ông cũng họat động trong Câu Lạc Bộ Những Người Lang Thang và tham dự những chuyến đi mùa hè đến Tây Âu với những sinh viên khác. Ở Paris, lần đầu tiên ông gặp người anh em họ Oskar Milosz, nhà thơ Pháp.

1933: Câu Lạc Bộ Ba Lan Học của Stefan Batory University xuất bản Bài thơ thời đông giá, thi tập đầu tiên của Milosz. Với Zbigniew Folejewski, ông đồng biên tập Tuyển tập thi ca xã hội, cũng xuất bản ở Wilno.

1934: Milosz nhận bằng Cao Học Luật. Hội Nhà Văn Ba Lan trao tặng thơ ông Giải Thưởng Văn Chương Philomath lần đầu tiên ở Wilno. Một khoản tài trợ từ Quỹ Văn Hóa Quốc Gia cho phép ông ở một năm tại Pháp và ông lên đường vào mùa thu.

1935: Ở Paris, Milosz học tại Alliance Francaise và nghe giảng về học thuyết Thomas Aquinas (Thomism) ở L’ Institut Catholic. Cùng với những thi phẩm khác, ông viết Ca vịnh và Những cánh cổng kho vũ khí.

1936: Sau khi ở Pháp về, Milosz phụ trách chương trình văn học cho Ðài Phát Thanh Ba Lan ở Wilno. Hội Nhà Văn Ba Lan giúp ông xuất bàn thi tập thứ hai, Ba mùa đông.

1937: Sau khi bị Radio Wilno buộc tội ông có quan điểm thiên tả và cho nghỉ việc, Milosz đến nước Ý. Trở về, ông nhận việc làm ở phòng kế hoạch của Đài Phát Thanh Ba Lan ở Warsaw. Ông gửi đăng thơ và bài viết ở các tạp chí định kỳ.

1938: Bản dịch Ca khúc (Un Chant) xuất hiện trên tạp chí Pháp “Cahiers du Sud”, bản dịch thơ đầu tiên của Czeslaw Milosz. Truyện ngắn Tính sổ của ông đoạt một giải thưởng trong một cuộc thi được nhật báo Pion tài trợ.

1940: Milosz trốn từ Wilno thuộc Soviet chiếm cứ sang Warsaw thuộc quyền kiểm soát của Nazi, tại đây ông gia nhập phong trào kháng chiến xã hội chủ nghĩa. Ở Warsaw ông xuất bản tập thơ Những bài thơ in rônêô với bút danh Jan Syruc.

1941: Ông nhận việc làm bảo vệ ở Thư viện Đại học Warsaw

1942: Tuyển tập thơ chống Nazi của Milosz, Bài ca bất khuất, và bản dịch của ông, tác phẩm ủng hộ de Gaule, Đi qua thảm hoạ (A Travers la Desastre) của Jacques Maritain được in và phát hành chui trong Warsaw đang bị chiếm đóng.

1943: Ông viết Thế giới: Một bài thơ chân thật và toàn tập Những tiếng nói của người nghèo (Giải cứu thi ca, Những bài thơ chiến thắng) và dịch As You Like It của Shakespeare theo đơn đặt hàng của Hội Đồng Sân Khấu Bí Mật (The Underground Theatre Council). Ông cũng tham gia những buổi đọc thơ chui.

1944: Sau trận phá hủyWarsaw, ông trải qua một ít tháng ở Goszyce, gần Cracow, với gia đình bạn ông, Jerzy Turowics. Ông viết một số bài thơ ở đó.

1945: Milosz chuyển đến Cracow. Ông đăng thơ và các bài viết trên báo chí văn học (“Tworczosc”). Nhà xuất bản quốc gia xuất bản những bài thơ tuyển của ông với nhan đề Giải cứu (Giải cứu thi ca, Campo Di Fiori, Những bài thơ chiến thắng) – bao gồm hai toàn tập được viết trong Đệ nhị Thế chiến năm 1943. Ông lên đường sang Hoa Kỳ vào tháng 12 để đảm nhiệm một chức vụ ngoại giao.

1946: Milosz làm việc Lãnh sự quán Ba Lan tại New York. Đứa con của Âu Châu nằm trong số những bài thơ ông sáng tác trong thời kỳ này.

1947: Milosz được thuyên chuyển đến Washington làm tuỳ viên văn hóa. Ông viết Chuyên luận về đạo đức, được in năm sau ở nhật báo “Tworczosc”. Ông là một thông tín viên cho báo chí văn học ở Ba Lan và dịch thơ nước ngoài sang tiếng Ba Lan.

1949: Milosz làm một chuyến đi ngắn ngày về Ba Lan trong mùa hè. Ông bị choáng váng trước hệ thống phát triển đầy khắp chủ nghĩa toàn trị.

1950: Milosz được chuyển đến chức vụ thư ký thứ nhất toà đại sứ Ba Lan ở Paris. Ông về Warsaw vào cuối năm và bị tịch thu giấy thông hành.

1951: Milosz được trả lại giấy thông hành. Ông quay trở lại Paris, tại đây vào ngày 1 tháng 12 ông xin chính quyền Pháp cho tỵ nạn chính trị. Ông dọn đến Maisons-Lafitte và đăng bài báo đầu tiên với tư cách một di dân, nhan đề No, xuất hiện trên số tháng Năm của tạp chí “Kultura”. Ông bắt tay vào tác phẩm Trí óc bị bắt giữ.

1953: Trí óc bị bắt giữ là tác phẩm đầu tiên của Milosz được xuất bản bởi Viện Văn Học Ngôn Ngữ Ba Lan ở Paris. Kèm theo là các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp. Tiểu thuyết Thâu tóm quyền lực (La Prise du Pouvoir) của ông được tặng giải thưởng hội sách Thụy Sĩ, Giải Văn Học Châu Âu. Viện Văn Học xuất bản Ánh sáng ban ngày, tập thơ đầu tiên của Milosz như là một di dân.

1955: Viện Văn Học xuất bản Thâu tóm quyền lực, tiểu thuyết thứ hai của Milosz Thung lũng Issa và bản dịch những luận văn triết học Chính trị và thực tế của Jeanne Hersch.

1957: Viện Văn Học xuất bản Chuyên luận về thi ca thành sách. Milosz được tặng giải thưởng văn chương hàng năm của tạp chí Văn Hoá (“Kultura”).

1958: Milosz xuất bản tiểu sử tự thuật Vương quốc quê nhà, tập hợp những bài luận văn và những bản dịch thi ca của ông, Các lục địa, và bản dịch Văn tuyển của Simon Weil. Ông nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Di Dân Ba Lan.

1959: Milosz xuất bản Gia đình Âu Châu (Rodzinna Europa).

1960: Milosz đến Hoa Kỳ nhận chức vụ giảng viên thuộc khoa ngôn ngữ và văn học Slave, Đại Học California, Berkeley. Ngay sau đó ông nhận hàm giáo sư và trong suốt hai chục năm tiếp theo kết hợp công việc viết văn với giảng dạy tại đại học này.

1962: Milosz xuất bản Vua Popiel và những bài thơ khác và chuyên khảo của ông về Stanisaw Brzozowski, Người giữa bầy bọ cạp (Viện Văn Học Ba Lan).

1965: Tập thơ thứ bảy của ông, Hoá thân của Bobo, được Viện Văn Học Ba Lan xuất bản. Ông cũng xuất bản những bài thơ ông đã tuyển chọn và dịch sang Anh ngữ, Thơ Ba Lan hậu chiến: Một hợp tuyển.

1967: Văn Phòng Thông Tấn Những Nhà Thơ và Hoạ Sĩ Luân Đôn xuất bản một hợp tuyển thêm những thi phẩm của Milosz thành một tập nhan đềNhững bài thơ. Ông nhận Giải Văn Chương Marian Kister ở New York.

1968: Vương quốc quê nhà: Đi tìm định nghĩa tự thân được xuất bản tại Mỹ. Milosz nhận Giải Thưởng Jurzykowski.

1969: Tập thơ tiếp theo của ông, Thành phố không tên, và một tuyển tập những bài tham luận, Nhìn từ Vịnh San Francisco, được xuất bản bằng tiếng Ba Lan bởi Viện Văn Học Ba Lan. Quyển sách giáo khoa của ông, Lịch sử văn học Ba Lan, được xuất bản ở Mỹ.

1972: Viện Văn Học Ba Lan xuất bản Những bổn phận tư riêng, một tuyển tập những bài tham luận văn học.

1973: Văn Phòng Thông Tấn Seabury ở New York xuất bản tập thơ đầu tiên của Milosz bằng Anh ngữ, Thi tuyển, được biên tập lại và xuất bản bởi Văn Phòng Thông Tấn Ecco năm 1982.

1974: Milosz xuất bản tập thơ Từ mặt trời mọc (Viện Văn Học Ba Lan). Hội Văn Bút Ba Lan (The Polish P.E.N. Club) trao tặng ông giải thưởng những bản dịch thơ Ba Lan sang tiếng Anh.

1976: Milosz nhận tài trợ của quỹ Guggenheim Fellowship để theo đuổi công việc sáng tác thi ca và dịch thuật.

1977: Cơ Sở Xuất Bản Ngôn Ngữ Slave thuộc Đại Học Michigan ấn hành tuyển tập thơ tiếp theo của ông bằng tiếng Ba Lan với tựa đề Utwory poetykie: Poems. Đại Học Michigan ở Ann Arbor trao tặng Milosz bằng tiến sĩ danh dự. Institut Literacki (Viện Văn Học Ba Lan) xuất bản Miền đất Ulro). Một hợp tuyển những bài tham luận nhan đề Hoàng đế của trái đất: Những cách nhìn lập dị và bản dịch Anh ngữ của Milosz Những bài thơ Địa Trung Hải của Aleksander Wat in ở Hoa Kỳ. Thế kỷ của tôi, hồi ký của Wat thu băng cuộc đàm thoại với Milosz được xuất bản ở Luân Đôn.

1978: Milosz nhận Giải Thưởng Văn Học Quốc Tế Neustadt, được trao tặng dưới sự bảo trợ của Viện Đại Học Bang Oklahoma. Vì những thành tích xuất sắc về văn học và hàn lâm của ông, Đại Học California tặng Milosz Bằng Berkeley Citation (tương đương bằng tiến sỹ danh dự). Tập thơ thứ nhì dịch sang Anh ngữ của ông, Những cái chuông mùa đông, được in ở Hoa Kỳ.

1979: Editions du Dialogue ở Paris ấn hành bản dịch của Milosz Những bài thánh ca (The Book of Psalms) từ tiếng Do Thái sang tiếng Ba Lan, vì tác phẩm này ông được nhận Giải Thưởng Zygmunt Hertz. Vườn tri thức, một tuyển tập những bài tham luận và những bài dịch thi ca nước ngoài sang tiếng Ba Lan, được xuất bản bởi Instytut Literacki.

1980: Editions du Dialogue xuất bản bản dịch của Milosz từ tiếng Do Thái sang tiếng Ba Lan Sách của Job. Milosz được tặng Giải Nobel. Những tập thơ của ông được xuất bản ở Ba Lan lần đầu tiên kể từ năm 1945. Instytut Literacki bắt đầu xuất bản ấn phẩm nhiều tập Tuyển tập Milosz.

1981: Tháng sáu, Milosz về thăm Ba Lan lần đầu tiên sau ba mươi năm. Ông nhận bằng tiến sỹ danh dự ở Viện Đại Học Cơ Đốc Lublin; ông gặp gỡ Lech Walesa và những lãnh tụ khác của phong trào Đoàn Kết ( Solidarity). Một cuộc triển lãm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp ông ra mắt ở Bảo Tàng Văn Học tại Warsaw. Một ấn phẩm song ngữ Ba Lan-Anh bài diễn văn nhận Giải Nobel của Milosz đọc trước Hàn Lâm Viện Thụy Điển tháng 12 năm 1980 được phát hành. Milosz nắm chức chủ tịch Eliot Norton ở Harvard và chủ trì sáu buổi diễn thuyết về thi ca. Ông được Đại Học New York trao tặng bằng tiến sỹ danh dự.

1982: Instytut Literacki in tập thơ thứ mười của ông, Tụng ca hạt ngọc trai. Editions du Dialogue xuất bản bản dịch của ông The Books of Five Megiloth(Than khóc, Ruth, Esther, Hội thánh, và Bài ca của Những bài ca).

1983: Milosz nhận bằng tiến sỹ danh dự của Đại Học Brandeis. Những bài diễn văn của ông tại Havard xuất hiện dưới nhan đề Người chứng của thi ca.

1984: Một tập mới những bài thơ dịch, Những tập ghi rời, được xuất bản trong ấn phẩm song ngữ Ba Lan-Anh. Trái đất không đạt tới được được Instytut Literacki xuất bản bằng tiếng Ba Lan. Editions du Dialogue xuất bản những bản dịch, từ tiếng Hy Lạp, Sách Phúc Âm theo Mark và Sách Khải Huyền.

1985: Bắt đầu với những đường phố của tôi, một tập mới những bài tham luận, được Instytut Literacki xuất bản bằng tiếng Ba Lan.

1986: Trái đất không đạt tới được được xuất bản bắng tiếng Anh.

1987: Milosz viết tập tiếp theo thi phẩm Sử biên niên.

1991: Milosz viết tập thơ mới Những tỉnh thành.

2004: Czeslaw Milosz mất ngày 14 tháng 8.



II. Tác phẩm

Lời nói đầu

Trước hết, ngôn ngữ đơn sơ bằng tiếng mẹ đẻ,
Nghe là bạn có thể nhìn thấy
Những cây táo, một con sông, khúc quanh một con đường,
Như dưới ánh nháng lên của một tia chớp mùa hè.

Và tiếng nói ấy chứa đựng nhiều hơn cả những hình ảnh,
Nó đã được ru bằng lời ca,
Một giấc mơ màng, giai điệu. Không phòng vệ,
Nó bị vượt qua bởi thế giới sắc, khô.

Bạn thường tự hỏi tại sao bạn cảm thấy xấu hổ
Hễ khi bạn xem qua một tập thơ.
Tưởng như tác giả, vì những lý do với bạn mơ hồ,
Nhắn gửi phía tồi tệ hơn của thiên tính bạn,
Gạt một bên suy tưởng, lừa gạt nghĩ suy .

Theo mùa những câu đùa cợt, giễu hề, châm biếm,
Thi ca vẫn biết cách chiều lòng.
Rồi tài khéo của nó được nhiều thán phục.
Nhưng những cuộc chiến nghiêm trọng ở nơi sự sống lâm nguy
Ðang diễn ra trong văn xuôi. Trước đây không phải luôn như thế.

Và niềm ân hận của chúng ta vẫn chưa được thú nhận.
Các tiểu thuyết và luận văn phục vụ nhưng sẽ không dài lâu.
Một khổ thơ trong sáng có thể mang nhiều trọng lượng
Hơn cả một toa tàu văn xuôi kỳ công.

(Treatise on Poetry)



Gửi người lầm lạc

Anh, người lầm lạc, một kẻ giản đơn
Cười ồ trước tội ác,
Và lôi cuốn quanh anh một bọn điên rồ
Xáo trộn thiện ác, xóa mờ đường ranh.

Dù mọi người khom cúi trước anh,
Ca tụng đức hạnh và trí tuệ soi sáng đường anh đi,
Những tấm huy chương vàng lấp lánh vinh danh anh,
Mừng vui đã sống thêm ngày nữa.

Ðừng tưởng an toàn. Nhà thơ nhớ.
Anh có thể giết một người, nhưng có người khác ra đời.
Lời chữ được ghi lại, mọi việc, tháng năm.

Và đáng lẽ anh đã đẹp tốt hơn với một bình minh mùa đông,
Một sợi thừng, và một nhánh cây cong vòng dưới sức nặng của anh.

Washington, D.C., 1950

(Daylight)



Arts poetica
(Nghệ thuật thi ca)

Tôi đã luôn luôn khát khao một hình thức khoảng khoát hơn
nhằm thóat khỏi những ràng buộc của thi ca hay văn xuôi
để chúng ta hiểu nhau mà không phải giãi bày
những nỗi đau siêu phàm trước tác giả hay người đọc.

Trong chính bản chất thi ca có gì đó không nghiêm chỉnh:
một điều được nói ra mà chúng ta không biết mình đã cưu mang,
vậy nên chúng ta chớp mắt, làm như một con hổ phóng vọt ra
và đứng giữa ánh sáng, quất đuôi.

Ðó là lý do tại sao thi ca được nói đúng là viết theo giọng đọc của một con quỷ
dù cứ khăng khăng phóng đại phải là của một thiên thần
khó mà nói từ đâu có niềm kiêu hãnh đó của nhà thơ
khi bao lần họ chịu xấu hổ vì phơi bày tính yếu đuối.

Cái một người biết điều muốn lại là một thành phố của bầy quỷ,
bọn hành xử như chúng đang ở nhà mình, nói nhiều thứ tiếng,
và bọn, chưa thỏa mãn với trò ăn cắp đôi môi và bàn tay của anh,
cố công thay đổi phận số anh vì tiện lợi của chúng.


Sự thật là những gì bệnh hoạn ngày nay được đánh giá cao,
vậy nên bạn có thể nghĩ rằng tôi chỉ đang đùa cợt
hay đã bày đặt thêm một phương pháp nữa
ngợi ca Nghệ Thuật với sư trợ giúp của mỉa mai.

Có một thời chỉ những quyển sách khôn ngoan được đọc,
giúp chúng ta chịu đựng đớn đau thống khổ.
điều này, cuối cùng, không như vậy nữa
khi lật qua một ngàn tác phẩm mới toanh từ những bệnh viện tâm thần.

Tuy nhiên thế giới này khác với những gì có vẻ
và chúng ta không giống như chúng ta nhìn thấy chính mình trong cơn điên dại.
Con người vì vậy gìn giữ lòng chính trực thầm kín,
Hầu gặt hái sự tôn trọng của thân quyến xóm giềng.

Mục đích của thi ca là nhắc nhở chúng ta
khó khăn biết chừng nào để vẫn đúng là một con người,
vì nhà chúng ta mở cửa, không có chìa khóa ở những cánh cửa,
và những vị khách vô hình tùy thích vào ra.

Những gì tôi đang nói đây, tôi đồng ý, chẳng phải là thi ca,
vì những bài thơ nên được viết hiếm hoi và miễn cưỡng,
dưới cưỡng ép bất kham và chỉ với hy vọng
rằng những thần linh thiện hảo, chứ không phải quỷ dữ xấu xa, chọn chúng ta
để làm công cụ.

Berkeley, 1968

(City Without Name)

Bản dịch Anh Ngữ của Czeslaw Milosz và Lillian Vallee



Không thêm nữa

Tôi nên kể lại làm sao một lần tôi đã đổi thay
Các quan điểm của tôi về thi ca, và làm sao lại thành ra
Ngày nay tôi tự xem mình như là một trong nhiều
Thương gia và nghệ nhân của Nhật Bản cổ xưa,
Những người xếp đặt những câu thơ quanh những nụ anh đào
Những bông hoa cúc và mặt trăng tròn.


Giá như tôi có thể tả những cô gái điếm ở Venice
Khi trên thềm hiên họ chọc ghẹo con công bằng một cành con,
Và ngoài lớp gấm thêu kim tuyến, những hột ngọc trai,
Hở phơi những bộ vú to và vết hằn đo đỏ
Nơi áo xống cài khuy in dấu lên da bụng
Sinh động như dưới mắt nhìn của thuyền trưởng tầu buôn
Cặp bờ sáng hôm ấy với cả một kho vàng;
Và nếu tôi có thể tìm gặp đám xương khốn khổ của họ
Nơi nghĩa trang với những cánh cổng nước váng dầu mấp mé
Một lời nói lâu bền hơn chiếc lược họ đã dùng lần cuối cùng
Hư mục dưới những mộ chí, đơn độc, trông chờ ánh sáng.

Thế thì tôi sẽ không hồ nghi. Vì vấn đề miễn cưỡng
Nào có thể thu thập được những gì? Không gì hết, may lắm chỉ cái đẹp.
Và vì thế, những nụ anh đào là đủ cho chúng ta
Và những bông hoa cúc và mặt trăng tròn.

Montgeron,1957

(King Popiel and Other Poems)

Bản dịch Anh ngữ của Anthony Milosz



Thật ít

Tôi đã nói thật ít,
Những ngày ngắn ngủi.

Những ngày ngắn ngủi,
Những đêm ngắn ngủi,
Những năm ngắn ngủi.

Tôi đã nói thật ít,
Tôi không thể theo kịp.

Trái tim tôi mệt nhòai
Vì vui thú,
Tuyệt vọng,
Nhiệt tình,
Hy vọng.

Hàm răng thủy quái
Ðang ngoạm chặt lấy tôi.

Trần truồng, tôi nằm trên bờ biển
Của những hòn đảo sa mạc.

Con cá voi trắng của thế giới
Kéo tôi xuống lòng hố của nó.

Và bây giờ tôi không biết
Trong tất cả đó có gì là thật.

Berkeley, 1969

(The Rising of the Sun)

Bản dịch Anh ngữ của Czeslaw Milosz và Lillian Vallee



Hiện thân không tên

Lý trí con người đẹp đẽ và vô địch,
không rào cản, không dây thép gai, không bụi sách nghiền nát,
không án lưu đầy nào có thể khuất phục.

Nó thiết lập những ý tưởng hoàn vũ trong ngôn ngữ,
và dẫn dắt bàn tay chúng ta viết Sự thật và Công lý
bằng chữ hoa, dối trá và áp bức chữ thường,

Nó đặt lên cao những gì phải cao hơn mọi thứ khác,
là kẻ thù của tuyệt vọng và bạn hữu của hy vọng.

Nó không phân biệt người Do Thái với người Hy Lạp hay nô lệ với ông chủ,
trao cho chúng ta trông coi cả tài sản thế giới.

Nó cứu vớt những từ ngữ mộc mạc trong sáng
khỏi mớ bòng bong ghê tởm của những lời chữ bị tra tấn.

Nó nói rằng mọi sự đều mới lạ dưới ánh mặt trời,
và mở nắm tay đông cứng của quá khứ.

Ðẹp đẽ và trẻ trung là triết học
và thi ca, đồng minh của lý trí phục vụ điều thiện.
mãi hôm qua Thiên Nhiên mới ăn mừng chúng ra đời,
tin tức được truyền đến những rặng núi bởi một con tê giác và một tiếng dội,
tình bạn của chúng sẽ vinh quang, thời của chúng là vô hạn,
mọi kẻ thù của chúng đã tự gieo thân vào hủy diệt.

Berkeley 1968



Gặp gỡ

Chúng tôi ngồi trên toa tàu đi qua những cánh đồng băng giá lúc rạng đông,
Một cánh đỏ mọc trong tối đen.

Bỗng dưng một con thỏ rừng chạy băng qua đường,
Một người trong chúng tôi giơ tay lên chỉ.

Ðã qua lâu rồi. Ngày nay cả hai chẳng ai còn sống,
Con thỏ rừng lẫn người giơ tay.

Hỡi em yêu, bây giờ họ ở đâu, họ đang đi đâu
Bàn tay nháng lên, bước chạy vút nhanh, tiếng lao xao sỏi đá
Tôi hỏi chẳng phải vì buồn, mà vì kinh ngạc.

Wilno, 1936

(The Collected Poems 1931-1987,1988)

Bản dịch Anh ngữ của Czeslaw Milosz va øLillian Vallee



Esse

Tôi nhìn gương mặt ấy, lặng người. Những ngọn đèn nhà ga métro lướt qua; tôi không để ý. Biết làm gì khi cái nhìn của chúng ta thiếu sức mạnh vô hạn để háo hức nhìn mê mẩn đối tượng, trong thoáng giây, chẳng còn lại gì nhiều hơn một khoảng trống không của một hình thể lý tưởng, một ký hiệu giống như chữ tượng hình được đơn giản hóa từ hình vẽ một động vật hoặc một con chim. Một cái mũi hơi hếch, một bờ trán cao với mái tóc bóng mượt chải ra sau, đường nét của cái cằm – nhưng tại sao cái nhìn lại không có sức mạnh tuyệt đối? – và trong sắc trắng pha hồng khắc sâu hai lỗ chứa một thứ dung nham đen óng ánh. Thu hút gương mặt ấy để cùng lúc có được nó trên nền hậu cảnh là tất cả mọi cành xuân, những bức tường, những con sóng, trong tiếng khóc tiếng cười của nó, đưa nó lui lại mười lăm năm hay tới trước ba mươi năm. Ðể có nó. Ðây thậm chí không phải là một thèm muốn. Như một con bướm, một con cá, một thân cây, chỉ kỳ bí hơn thôi. Và như vậy điều xảy đến cho tôi là sau bao lần hoài công gọi tên trần gian, tôi chỉ có thể lập lại, gảy mãi lên một dây đàn harp, dây đàn cao nhất, lời thú nhận độc nhất không sức mạnh nào có thể đạt tới xa hơn: tôi hiện hữu, nàng hiện hữu. Hãy kêu to, thổi những cây kèn đồng, diễu hành đông cả ngàn, nhảy lên, xé tan áo quần, chỉ lập đi lập lại: hiện hữu!

Nàng xuống xe ở Raspail. Tôi bị bỏ lại đằng sau giữa mênh mông vạn hữu. Một miếng bọt biển, đau khổ vì tự nó không thể đẫm ướt; một dòng sông, khổ đau vì bóng mây trời cây cỏ không phải là cây cỏ trời mây.

Brie-Comte-Robert, 1954

(The Collected Poems 1931-1987, 1988)

Bản dịch Anh ngữ của Czeslaw Milosz và Robert Pinsky

Bạn đọc có thể tham khảo một số thi phẩm khác nữa của C. Milosz trên www.tienve.org do nhà thơ Diễm Châu chuyển ngữ.

--
Nguon: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3239&rb=0103

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét