Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Viet nam su luoc/ Tran trong Kim

Thuo do

Cau hoi: Thuc dan Phap da xam luoc VN ra sao?
Tra loi: Xin moi xem doan trich sau day cua Tran Trong Kim:

CHƯƠNG VII
Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ
1. Nước Pháp đánh Đà Nẵng.
2. Quân Pháp hạ thành Gia Định.
3. Mất tỉnh Định Tường.
4. Mất tỉnh Biên Hòa và tỉnh Vĩnh Long
5. Hòa ước năm nhâm tuất (1862)
6. Sứ Việt Nam ta sang Tây
7. Việc bảo hộ Cao Miên
8. Nước Pháp lấy ba tỉnh phía tây đất Nam Kỳ
1. Quân Pháp Đánh Đà Nẵng. Trong thời đại khó khăn như đời
vua Dực Tông, mà vua quan cứ khư khư giữ lấy thói cũ, không biết theo thời
mà mở nước cho người ta vào buôn bán, không biết nhân dịp mà khai hóa
dân trí, lại vì sự sùng tín mà đem giết hại người trong nước, và đem làm tội
những người đi giảng đạo. Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước Pháp mới
dùng binh lực để báo thù cho những người giáo sĩ bị hại.
Nguyên từ năm tân hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4 về sau, nghĩa là
từ khi có tờ dụ cấm đạo lần thứ hai, ở Bắc Kỳ có mấy người giáo sĩ là ông
Bonard, ông Charbonnier, ông Matheron và ông giám mục I Pha Nho tên là
Diaz bị giết. Còn những giáo sĩ khác thì phải đào hầm đào hố mà ở, hoặc
phải trốn tránh ở trong rừng trong núi để giảng đạo. Những tin ấy về đến
bên Tây, các báo chí ngày ngày kể những thảm trạng của các người giáo sĩ
đi truyền đạo ở nước ta, lòng người náo động cả lên.
Chính phủ nước Pháp bèn sai ông Leheur de Ville-sur-Arc, đem chiếc
chiến thuyền "Catinat" vào cửa Đà Nẵng rồi cho người đem thư lên trách
Triều Đình Việt Nam về việc giết đạo. Sau thấy quan ta lôi thôi không trả lời,
quân nước Pháp bèn bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng, rồi bỏ đi. Bấy giờ là
tháng 8 năm bính thìn (1856) là năm Tự Đức thứ 9.
Được 4 tháng sau thì sứ thần nước Pháp là ông Montigny ở nước
Tiêm La sang, để điều đình mọi việc. Chiếc tàu của ông Montigny đi vào
đóng ở cửa Đà nẵng, rồi cho người đưa thư lên nói xin cho người nước Pháp

được tự do vào thông thương, đặt lĩnh sự ở Huế, mở cửa hàng buôn bán ở
Đà Nẵng, và cho giáo sĩ được tự do đi giảng đạo. Trong bấy nhiêu điều,
triều đình nước ta không chịu điều nào cả.
Bấy giờ bên nước Pháp đã lập lại đế hiệu, cháu ông Nã Phá Luân đệ
nhất là Nã Phá Luân đệ tam lên làm vua. Triều chính lúc bấy giờ thì thuận
đạo, lại có bà hoàng hậu Eugénie cũng sùng tín. Vả chăng khi chiếc tàu
"Catinat" vào cửa Đà nẵng, có ông giám mục Pellerin trốn được xuống tàu
rồi về bệ kiến Pháp Hoàng, kể rõ tình cảnh các người giảng đạo ở Việt Nam.
Ông P. Cultru chép ở trong sách Nam Kỳ Sử Ký (Histore de la
Cochinchine) rằng: lúc bấy giờ có nhiều người quyền thế như ông chủ giáo
thành Rouen là Mgr de Bonnechose và có lẽ cả bà hoàng hậu cũng có nói
giúp cho ông giám mục Pellerin. Bởi vậy Pháp hoàng mới quyết ý sai quan
đem binh thuyền sang đánh nước ta. Lại nhân vì những giáo sĩ nước I Pha
Nho cũng bị giết, cho nên chính phủ hai nước mới cùng nhau trù tính việc
sang đánh nước Việt Nam. Ấy cũng tại vì vua quan mình làm điều trái đạo,
giết hại những người theo đạo Gia Tô cho nên mới có tai biến như vậy.
Tháng 7 năm mậu ngọ (1858) là năm Tự Đức thứ 11, hải quân
Trung Tướng nước Pháp là Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu I Pha
Nho cả thảy 14 chiếc, chở hơn 3.000 quân của hai nước vào cửa Đà nẵng,
bắn phá các đồn lũy, rồi lên hạ thành An Hải và thành Tôn Hải.
Triều đình được tin ấy liền sai ông Đào Trí ra cùng với quan tổng
đốc Nam Nghĩa là Trần Hoằng tiễu ngự. Ông Đào Trí ra đến nơi thì hai cái
hải thành đã mất rồi. Triều đình lại sai quan hữu quân Lê Đình Lý làm tổng
thống đem 2.000 cấm binh vào án ngự.
Ông Lê Đình Lý vào đánh với quân Pháp một trận ở xã Cẩm Lệ bị
đạn, về được mấy hôm thì mất.
Vua Dực Tông lại sai quan Kinh Lược Sứ là ông Nguyễn Tri Phương
vào làm tổng thống, ông Chu Phúc Minh làm đề đốc cùng với ông Đào Trí
chống giữ với quân Pháp và quân I Pha Nho.
Ông Nguyễn Tri Phương lập đồn Liên Trì và đắp lũy dài từ Hải Châu
cho đến Phúc Ninh, rồi chia quân ra phòng giữ. Cứ như sách Nam Kỳ Sử của
ông Cultru thì ý quan trung tướng Rigault de Genouilly định lấy Đà Nẵng
xong rồi, lên đánh Huê, nhưng mà đến lúc bấy giờ thấy quan quân phòng
giữ cũng rát, và lại có người đem tin cho trung tướng biết rằng có hơn
10.000 quân ở Huế sắp kéo xuống. Trung tướng không biết rõ tình thế ra

làm sao, mà đường xá lại không thuộc, cho nên cũng không dám tiến quân
lên.
Nhân vì khi trước các giáo sĩ đều nói rằng hễ quân Pháp sang đánh,
thì dân bên đạo tức khắc nổi lên đánh giúp, đến nay không thấy tin tức gì,
mà quân lính của trung tướng thì tiến lên không được. Ở Đà Nẵng thì chỗ
ăn chỗ ở không có, lại phải bệnh dịch tả chết hại mất nhiều người, bởi vậy
trung tướng lấy làm phiền lắm. Bấy giờ có ông giám mục Pellerin cũng đi
theo sang ở dưới tàu Ménésis, trung tướng cứ trách ông giám mục đánh lừa
mình, giám mục cũng tức giận bỏ về ở nhà tu dạy đạo tại thành Pénang ở
bên Mã Lai.
Được mấy tháng, trung tướng liệu thế đánh Huế chưa được, bèn
định kế vào đánh Gia Định là một nơi dễ lấy, và lại là một nơi trù phú của
nước Nam ta.
2. Quân Pháp vào đánh Gia Định. Trước đó đã có người bàn
với trung tướng Rigault de Genouilly ra đánh Bắc Kỳ, nói rằng ở Bắc Kỳ có
hơn 40 vạn người đi đạo, và lại có đảng theo nhà Lê, có thể giúp cho quân
Pháp được thành công. Trung tướng cho đi do thám biết rằng đất Nam Kỳ
dễ lấy hơn, và lại là đất giàu có, nhiều thóc gạo. Đến tháng giêng năm kỷ
mùi (1859) là năm Tự Đức tháng 12, Trung tướng giao quyền lại cho đại tá
Toyon ở lại giữ các đồn tại Đà Nẵng, rồi còn bao nhiêu binh thuyền đem vào
Nam Kỳ. Quân Pháp vào cửa Cần Giờ, bắn phá các pháo đài ở hai bên bờ
sông Đồng Nai, rồi tiến lên đánh thành Gia Định.
Ở Gia Định, bấy giờ tuy có nhiều binh khí, nhưng quân lính không
luyện tập, việc võ bị bỏ trễ nải, cho nên khi quân Pháp ở cửa Cần Giờ tiến
lên, quan hộ đốc là Vũ Duy Ninh vội vàng tư đi các tỉnh lấy binh về cứu viện;
nhưng chỉ trong hai ngày thì thành vỡ. Vũ Duy Ninh tự tận. Quân nước
Pháp và nước I Pha Nho vào thành, lấy được 200 khẩu súng đại bác, 8 vạn
rưỡi kilos thuốc súng và độ chừng 18 vạn phật lăng (francs) cả tiền lẫn bạc,
còn các binh khí và thóc gạo thì không biết bao nhiêu mà kể.
Trung tướng Rigault de Genouilly lấy được thành Gia Định rồi, đốt cả
thóc gạo và san phẳng thành trì làm bình địa, chỉ để một cái đồn ở phía
nam, sai thủy quân trung tá Jauréguiberry đem một đạo quân ở lại chống
giữ với quân của ông Tôn Thất Hợp đóng ở đất Biên Hòa.
Trung tướng lại đem quân trở ra Đà Nẵng, rồi tiến lên đánh một trận
ở đồn Phúc Ninh. Quân ông Nguyễn Tri Phương thua phải lui về giữ đồn Nại
Hiên và đồn Liên Trì.

Trung tướng muốn nhân dịp đó mà định việc giảng hòa, nhưng mà
Triều đình cứ để lôi thôi mãi, người thì bàn hòa, kẻ thì bàn đánh, thành ra
không xong việc gì cả158. Mà quân Pháp lúc bấy giờ ở Đà Nẵng khổ sở lắm,
nhiều người có bệnh tật; trung tướng Rigault de Genouilly cũng đau, phải xin
về nghỉ.
Chính phủ Pháp sai hải quân thiếu tướng Page (Ba-du) sang thay
cho trung tướng Rigault de Genouilly và nhân thể để chủ việc giảng hòa cho
xong. Đến tháng 10 năm kỷ mùi (1859) thì thiếu tướng sang đến nơi, và
cho người đưa thư bàn việc hòa, chỉ cốt xin đừng cấm đạo, để cho các giáo
sĩ được tự do đi giảng đạo, đặt lĩnh sự coi việc buôn bán ở các cửa bể và đặt
sứ thần ở Huế. Đại để thì cũng như những điều của ông Montigny đã bàn
năm trước. Nhưng chẳng may lúc bấy giờ ở trong Triều không ai hiểu chính
sách ngoại giao mà chủ trương việc ấy, hóa ra làm mất cái dịp hay cả cho
hai nước.
Thiếu tướng thấy cuộc hòa không xong bèn tiến binh lên đánh, trận
ấy bên quân Pháp chết mất một viên lục quân trung tá là Dupré Déroulède.
Khi quân Pháp và quân I Pha Nho sang đánh nước ta ở Đà Nẵng và
Gia Định, thì quân nước Anh và quân nước Pháp đang đánh nước Tàu ở mạn
Hoàng Hải. Đến bấy giờ quân Pháp cần phải tiếp sang bên Tàu, chính phủ
nước Pháp mới truyền cho thiếu tướng Page phải rút quân ở Đà Nẵng về, và
chỉ để quân giữ lấy Gia Định, còn bao nhiêu binh thuyền phải đem sang theo
hải quân trung tướng Charner đi đánh Tàu. Bởi vậy đến tháng ba năm canh
thân (1860) quân Pháp đốt cả dinh trại ở Trà Sơn rồi xuống tàu. Về đến Gia
Định, thiếu tướng Page để hải quân đại tá d'Ariès ở lại giữ Gia Định, còn bao
nhiêu binh thuyền đem lên phía bắc hội với binh thuyền của nước Anh để
đánh nước Tàu.
Triều đình ở Huế thấy quân Pháp bỏ Đà nẵng đi, bèn sai Nguyễn Tri
Phương, Phạm Thế Hiển vào Nam Kỳ, để cùng với ông Tôn Thất Hợp sung
Gia Định quân thứ.
Đến tháng 7 năm canh thân (1860) ông Nguyễn Tri Phương khởi
hành. Lúc gần đi, ông ấy có tâu bày mấy lẽ về việc giữ nước và nói rằng
việc đánh nhau với nước Pháp bây giờ khó gắp năm gấp bảy lúc trước,
158 Chỗ này sách tây có quyển chép rằng khi hai bên đang bàn việc hòa, thì vua Tự Đức sai ông
Nguyễn Tri Phương đánh quân Pháp ở Gia Định. Vả xem sử ta lúc bấy giờ thì ông Nguyễn Tri
Phương đang còn ở Quảng Nam mãI đến tháng 5 năm canh thân (1860), ông ấy mới vào Nam
Kỳ. Vậy việc đánh ở Gia Định là ông Tôn Thất Hợp, chứ không phải là ông Nguyễn Tri Phương.

nhưng ông ấy xin cố hết sức để đền ơn nước, còn ở mặt Quảng Nam mà có
việc gì, thì ông Phan Thanh Giản và ông Nguyễn Bá Nghi có thể cáng đáng
được.
Quân Pháp và quân I Pha Nho ở Sài gòn lúc bấy giờ chỉ có độ 1.000
người mà quân của Việt Nam ta thì có đến hơn một vạn người. Nhưng mà
quân ta đã không luyện tập, lại không có súng ống như quân Tây. Mình chỉ
có mấy khẩu súng cổ, bắn bằng đá lửa, đi xa độ 250 hay là 300 thước tây là
cùng; còn súng đại bác thì toàn là súng nạp tiền mà bắn mười phát không
đậu một. Lấy những quân lính ấy, những khí giới ấy mà đối địch với quân
đã lập theo lối mới, thì đánh làm sao được. Bởi vậy cho nên xem trận đồ
của Việt Nam ta từ đầu cho đến cuối, chỉ có cách đào hầm đào hố để làm
thế thủ, chứ không bao giờ có thế công, mà người Tây thì lợi cả công lẫn
thủ. Tuy vậy ông Nguyễn Tri Phương cùng với quan tham tán đại thần
Phạm Thế Hiển vào xếp đặt ở Gia Định một cách rất có quy cũ, đắp dãy đồn
Kỳ Hòa (người Pháp gọi là dãy đồn Chí Hóa) cũng hợp quy thức, để chống
nhau với quân của đại tá d'Ariès. Hai bên đã từng đánh nhau hai ba trận,
đều bị thiệt hại cả.
Đến tháng 9 năm canh thân (1860), thì nhà Thanh bên Tàu ký tờ
hòa ước với nước Anh và nước Pháp, hai bên bãi sự chiến tranh. Chính phủ
nước Pháp sai hải quân trung tướng Charner đem binh thuyền về chủ trương
việc lấy Nam Kỳ.
Tháng giêng năm tân dậu (1861) trung tướng Charner đem cả thảy
70 chiếc tàu và 3.500 quân bộ về đến Gia Định159. Được 20 ngày thì trung
tướng truyền lệnh tiến quân lên đánh lấy đồn Kỳ Hòa. Hai bên đánh nhau
rất dữ trong hai ngày. Quân Pháp chết hơn 300 người, nhưng mà súng Tây
bắn hăng quá, quân ta địch không nổi, phải thu bỏ đồn chạy về Biên Hòa.
Trận ấy bên Tây thì có lục quân thiếu tướng Vassoigne, đại tá I Pha
Nho Palanca và mấy người nữa bị thương, mà bên ta thì ông Nguyễn Tri
Phương bị thương, em ngài là Nguyễn Duy tử trận, quan tham tán là Phạm
Thế Hiển về đến Biên Hòa được mấy hôm thì mất, còn quân sĩ thì chết hại
rất nhiều.
3. Mất Tỉnh Định Tường. Phá được đồn Kỳ Hòa rồi, trung tướng
Charner truyền cho quân thủy bộ tiến lên đuổi đánh, quan quân vỡ tan cả.
159 Sử ta chép rằng quân Pháp lúc bấy giờ có hơn 1 vạn người, mà các sách chép việc lấy Nam
Kỳ thì chỉ nói có 3.500 người thôi và trong số ấy lại có mấy đội lính mộ An Nam nữa. Thiết
tưởng số 3.500 có lẽ thật hơn.

Tàu thủy của Pháp lên lấy Thủ Dầu Một và Tây Ninh. Trung tướng lại sai
người đưa thư sang cho vua Cao Miên là Norodom (Nặc Ông Lân), đại lược
nói rằng: chủ ý của Pháp định lấy đất Gia Định làm thuộc địa, và nay mai sẽ
đánh lấy Mỹ Tho (Định Tường) để cho tiện đường lưu thông với nước Cao
Miên.
Bấy giờ bại quân của Nguyễn Tri Phương rút về đóng ở Biên Hòa,
còn đang rối loạn, chưa dám làm gì, quân Pháp bèn quay về phía tây đánh
tỉnh Định Tường. Trước trung tướng đã cho tàu đi dò các ngọn sông xem đi
đường nào tiện, đến cuối tháng 2 năm tân dậu (1861), một mặt trung tướng
sai trung tá Bourdais đem tàu đi đường sông, tiến lên đánh các đồn, một
mặt thì sai thiếu tướng Page đi đường bể, theo cửa sông Mê-kong vào, hai
mặt cùng tiến lên đánh lấy thành Mỹ tho. Quan hộ đốc là Nguyễn Công
Nhàn phải bỏ thành chạy.
Từ khi hạ xong thành Mỹ Tho rồi, trung tướng đặt đồn lũy ở các nơi
hiểm yếu, và có ý hoãn việc binh để sửa sang việc cai trị trong địa hạt đã lấy
được, cho nên cũng không đánh các tỉnh khác.
Triều đình ở Huế được tin quan quân thất thủ đại đồn Kỳ Hòa, và
thành Mỹ Tho cũng thất thủ rồi, sai quan thượng thư Hộ bộ là Nguyễn Bá
Nghi làm Khâm sai đại thần vào kinh lý việc Nam kỳ. Nguyễn Bá Nghi biết
thế chống không nổi với quân Pháp, dâng sớ về xin giảng hòa. Nhưng ở
trong triều lúc bấy giờ có bọn Trương Đăng Quế không chịu, bắt phải tìm kế
chống giữ.
Có nhà chép sử trách Nguyễn Bá Nghi rằng tuy ông ấy muốn giảng
hòa, nhưng không chịu nhường đất, cứ lấy lý mà cãi, chứ không biết rằng
thời buổi cạnh tranh này, hễ cái sức đã không đủ, thì không có cái lý gì là
phải cả. Vả chăng quân nước Pháp đã sang đánh lấy mấy tỉnh ở Nam Kỳ, là
cốt để làm thuộc địa, lẽ nào tự nhiên lại đem trả lại. Bởi vậy sự giảng hòa
cứ lôi thôi mãi không xong. Mà ở trong địa hạt tỉnh Gia Định và tỉnh Định
Tường lúc ấy lại có mấy người như tri huyện Toại, phó quản cơ Trương Định,
Thiên hộ Dương rủ những người nghĩa dũng nổi lên đánh phá quân Pháp.
Quân Pháp cứ đánh dẹp mãi dân tình cũng bị lắm điều cực khổ.
Đến tháng 10 năm tân dậu (1861), chính phủ Pháp sai hải quân
thiếu tướng Bonard sang thay cho trung tướng Charner về nghỉ.
4. Mất Tỉnh Biên Hòa và Tỉnh Vĩnh Long. Thiếu tướng
Bonard thấy quan quân ta cứ chống giữ mãi, bèn quyết ý đánh lấy tỉnh Biên
Hòa và tỉnh Vĩnh Long. Đến tháng 11 năm ấy, thì quân Pháp chia ra làm 3

đạo, cùng tiến lên đánh lấy thành Biên Hòa, rồi lại tiến lên mặt đông nam
đánh lấy đồn Bà Rịa. Qua tháng 3 năm sau là năm nhâm tuất (1862), thiếu
tướng Bonard lại đem 11 chiếc tàu và hơn 1.000 quân đi đánh Vĩnh Long.
Tỉnh thần ở đấy chống giữ được 2 ngày thì thành phá. Tổng đốc Trương
Văn Uyển phải đem quân lui về phía tây sông Mê-kong.
5. Hòa Ước Năm Nhâm Tuất (1862). Lúc bấy giờ ở ngoài Bắc
Kỳ có tên Phụng, tên Trường, đánh phá ở mặt Quảng Yên và Hải Dương
ngặt lắm, lại có Nguyễn Văn Thịnh, tục gọi là Cai Tổng Vàng, quấy nhiễu ở
Bắc Ninh, mà trong Nam Kỳ thì lại mất thêm hai tỉnh nữa. Triều đình lấy làm
lo sợ lắm, bèn sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Gia Định giảng
hòa.
Đến tháng 4 thì sứ thần nước ta theo chiếc tàu Forbin160 vào Sài
gòn. Đến hôm 9 tháng 5 thì thiếu tướng Bonard và sứ thần nước Nam ta là
ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Tiếp ký tờ hòa ước.
Tờ hòa ước ấy có 12 khoản, nhưng cốt có những khoản sau này là
quan trọng hơn cả:
1. Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I Pha Nho
được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo Đạo.
2. Nước Nam phải nhường đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh
Gia Định và tỉnh Định Tường, và phải để cho chiến thuyền của
Pháp được ra vào tự do ở sông Mékong.
3. Nước Nam không được đem binh khí, thuốc đạn đi qua những
tỉnh đã nhường cho nước Pháp.
4. Hễ nước Nam có giao thiệp với nước nào khác thì phải cho chính
phủ Pháp biết, và khi nào muốn nhường đất cho nước nào, thì
phải tùy ý nước Pháp có thuận cho mới được.
5. Người nước Pháp và nước I Pha Nho được ra vào buôn bán tự
do ở cửa Đà Nẵng, cửa Ba Lạt và cửa bể ở Quảng Yên.
6. Nước Nam phải trả tiền binh phí 4.000.000 nguyên, chia làm
mười năm, mỗi năm 40 vạn nguyên.
7. Nước Pháp trả tỉnh Vĩnh Long lại cho nước Nam, nhưng quân
Pháp cứ đóng ở tỉnh lỵ cho đến khi dẹp yên giặc giã ở tỉnh Gia
Định và tỉnh Định Tường thì mới rút về.
160 Nguyên trước thiếu tướng Bonard có sai trung tá Simon đem chiếc tàu Forbin vào cửa Thuận
An để đợi xem triều đình ở Huế có xin hòa không. Nay chiếc tàu ấy đem thuyền của sứ thần
Việt Nam ta về Gia Định.

Sự giảng hòa xong rồi thì triều đình sai ông Phan Thanh Giản làm
tổng đốc Vĩnh Long, ông Lâm Duy Tiếp làm tuần phủ Khánh Thuận, để giao
thiệp với quan nước Pháp ở Gia Định.
Bấy giờ nước I Pha Nho cũng nhường quyền lấy đất làm thuộc địa
cho nước Pháp, chỉ nhận tiền binh phí và quyền được cho giáo sĩ đi giảng
đạo thôi.
Tháng 2 năm quý hợi (1863) là năm Tự Đức thứ 16, thiếu tướng
Bonard và đại tá nước I Pha Nho là Palanca vào Huế triều yết vua Dực Tông
để công nhận sự giảng hòa của ba nước. Đoạn rồi thiếu tướng Bonard về
Pháp nghĩ. Hải quân thiếu tướng De la Grandière sang thay.
6. Sứ Việt Nam Sang Tây. Vua Dực Tông tuy thế bất đắc dĩ phải
nhường đất ba tỉnh Nam Kỳ cho nước Pháp, nhưng trong bụng vẫn muốn cố
hết sức để chuộc lại, vì là đất Gia Định là đất khai nghiệp của nhà Nguyễn và
lại là đất quê ngoại của ngài, nên chi hòa ước đã ký rồi, mà ngài vẫ sai quan
thương nghị với quan nước Pháp về việc ấy. Mà chủ ý người nước Pháp lúc
bấy giờ thì không những là chỉ giữ lấy ba tỉnh mà thôi, lại còn định mở rộng
thêm ra nữa. Vậy lẽ nào lại đem trả lại cho mình?
Vua Dực Tông thấy việc bên này bàn không xong, bèn sai quan hiệp
biện đại học sĩ Phan Thanh Giản, quan tả tham tri lại bộ Phạm Phú Thứ và
quan án sát sứ tỉnh Quảng Nam là Ngụy Khắc Đản đem phẩm vật sang sứ
nước Pháp và I Pha Nho. Còn việc giao thiệp ở trong Nam Kỳ thì giao lại cho
quan tổng đốc tỉnh Vĩnh Long là Trương Văn Uyển.
Tháng 6, các sứ thần xuống tàu "Echo" vào Gia Định, rồi sang tàu
"Européen" cùng với quan nước Pháp và quan nước I Pha Nho sang Tây.
Đến tháng 8 thì tàu "Européen" về tới nước Pháp, sứ thần nước ta lên Paris,
xin vào triều yết Pháp Hoàng Nã Phá Luân đệ tam. Nhưng bấy giờ Pháp
Hoàng sắp đi ngự mát, sứ thần ta phải ở lại chờ đến hơn một tháng mới
được yết kiến. Ông Phan Thanh Giản tây bày mọi lẽ về việc xin chuộc ba
tỉnh Nam Kỳ. Pháp Hoàng ban rằng việc đó để đình nghị xem thế nào rồi
sau sẽ trả lời cho Triều Đình Huế.
Mấy hôm sau, bọn ông Phan Thanh Giản đi sang I Pha Nho, rồi đến
cuối năm thì các sứ thần xuống tàu "Japon" trở về.

(Viet Nam Su Luoc, Tran Trong Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét